Làm Sao Để Vượt Thoát Kiểm
ar en es fa fr my ru zh

Lời Mở Đầu

Vào ngày 10 tháng 12 năm 1948, việc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã mở ra một kỷ nguyên mới. Học giả người Lebanon Charles Habob Malik đã mô tả điều này với các đại biểu như sau:

Mỗi thành viên của Liên Hiệp Quốc đã long trọng cam kết tôn trọng nhân quyền. Tuy nhiên, những quyền này chính xác là gì thì chúng ta chưa bao giờ được biết đến, cho dù là trong Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc hay trong một văn kiện quốc gia nào. Đây là lần đầu tiên những nguyên tắc về nhân quyền và những quyền tự do căn bản được định nghiã một cách rõ ràng và chi tiết. Bây giờ thì tôi biết những gì chính phủ của nước tôi đã cam kết sẽ quảng bá, thực hiện và tôn trọng. ... Tôi có quyền phản đối chính phủ nước tôi, và nếu chính phủ không làm những điều họ cam kết thì tôi sẽ cảm nhận và có được sự hỗ trợ của cả thế giới.

Một trong những quyền căn bản mà Bản Tuyên Ngôn đã mô tả rõ ở Điều 19 là quyền tự do ngôn luận: 

Mọi người đều có quyền tự do có ý kiến và phát biểu; quyền này bao gồm quyền tự do phát biểu ý kiến mà không bị ngăn cản, và quyền tìm kiếm, nhận, và phổ biến thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và vượt qua mọi biên giới.
 

Khi những giòng chữ này được viết ra cách đây 60 năm, không ai tưởng tượng ra được là hiện tượng mạng lưới internet sẽ mở rộng khả năng "tìm kiếm, nhận, và phổ biến thông tin" như thế nào, không chỉ vượt qua các biên giới, mà còn với một tốc độ không thể ngờ được và dưới những dạng có thể sao chép, sửa đổi, xử dụng, phối hợp và chia sẻ với những nhóm người đông đảo hay thu hẹp qua những phương cách hoàn toàn khác với những phương tiện truyền thông vào năm 1948.

Nhiều thông tin hơn ở nhiều nơi hơn người ta có thể tưởng tượng được

Mức phát triển không thể ngờ được trong nhiều năm qua của những gì được lưu trữ trên mạng internet và những nơi có internet, đã có hệ quả là làm cho một phần lớn không thể tưởng tượng được của kiến thức và sinh hoạt của nhân loại bỗng nhiên hiện diện tại những nơi không thể ngờ được: tại một bệnh viện ở một làng miền núi xa xôi, trong phòng ngủ của đứa con 12 tuổi của bạn, trong phòng họp nơi bạn đang trình bày với các đồng nghiệp sản phẩm mới được thiết kế sẽ khiến bạn dẫn đầu trong cuộc thi đua, trong nhà của ông bà.

Ở tất cả những nơi đó, khả năng móc nối với thế giới đã mở ra nhiều cơ hội tuyệt vời để cải tiến đời sống con người. Khi bạn bị mắc một chứng bệnh hiếm khi đi nghỉ hè, thì bệnh viện ờ làng vùng xa xôi có thể cứu sống bạn, bằng cách gửi những kết quả thử nghiệm đến một chuyên gia y tế ở thủ đô, và ngay cả ở một quốc gia khác; đứa con 12 tuổi của bạn có thể tìm kiếm dữ kiện cho bài làm ở trường hay kết bạn với trẻ em ở những quốc gia khác; bạn có thể trình bày sản phẩm mới của mình cùng lúc tới nhiều giám đốc tại những văn phòng ở khắp nơi trên thế giới để họ có thể giúp bạn cải tiến; ông bà có thể gửi cho bạn công thức làm bánh táo qua email để kịp cho bạn làm cho bữa tráng miệng  tối nay.

Tuy nhiên, Internet không chỉ chứa đựng những thông tin hữu ích, về tình bạn và bánh táo. Giống như thế giới vậy, internet rộng bao la, phức tạp và thường đáng sợ. Internet nằm trong tầm tay xử dụng của bạn, của đứa con 12 tuổi và ông bà của bạn nhưng cũng nằm trong tầm tay xử dụng của những kẻ độc ác, tham lam, vô lương tâm, bất lương hoặc thô lỗ.

Không phải ai cũng muốn tất cả thế giới đi vào nhà mình

Với tất cả những điều tốt nhất và xấu nhất của bản tính con người được phản ánh trên internet, cũng như kỹ thuật tân tiến đã giúp cho việc quấy nhiễu và lừa lọc xẩy ra dễ dàng hơn, chúng ta đừng ngạc nhiên là song song với sự phát triển của internet thì cũng có những toan tính kiểm soát việc xử dụng nó. Có nhiều động cơ thúc đẩy những toan tính này. Mục đích là để:


  • Bảo vệ trẻ em để chúng không nhận được những thứ được coi là không thích hợp, hay giới hạn sự giao tiếp của chúng với những người có thể làm hại chúng.

  • Giảm thiệu sự ngăn chận những quảng cáo thương mại bằng email hay trên mạng.

  • Kiểm soát khối lượng dữ kiện mà mỗi người xử dụng internet có thể nhận được mỗi lần.

  • Phòng ngừa việc nhân viên chia sẻ những thông tin được coi là tài sản của công ty, hay dùng thời giờ làm việc của họ hay những phương tiện kỹ thuật của công ty vào việc riêng.

  • Giới hạn việc truy cập những tài liệu hay sinh hoạt trực tuyến bị cấm hay được quy định đặc biệt (như một quốc gia hay một tổ chức như học đường) như những sản phẩm khiêu dâm hay bạo động, ma túy hay rượu, bài bạc hay mãi dâm, và thông tin về tôn giáo, chính trị hay những nhóm hay tư tưởng bị coi là nguy hiểm.

Một số những quan tâm này bao gồm việc cho phép người xử dụng tự kiểm soát chính mình khi xử dụng internet (thí dụ, để cho người ta xử dụng những dụng cụ ngăn chận những thư rác để chúng không tới được hộp thư nhận), tuy nhiên, những quan tâm khác bao gồm việc giới hạn người khác xử dụng internet và những gì người khác có thể hay không thể truy cập. Trường hợp sau tạo ra những xung đột và bất đồng ý kiến to lớn khi những người bị giới hạn truy cập không đồng ý là việc ngăn chận là thích đáng và phù hợp với quyền lợi của họ.

Ai sàng lọc hay ngăn chận Internet?

Những thành phần và những định chế có ý định giới hạn việc xử dụng internet của những người nào đó rất đa dạng như những mục tiêu của họ, bao gồm các bậc phụ huynh, học đường, các công ty thương mại, những người điều hành các quán café internet và các chính phủ ở các cấp bậc khác nhau.

Mức độ cao nhất của việc kiểm soát internet là khi chính quyền của một quốc gia ra sức giới hạn khả năng xử dụng internet của toàn thể dân chúng để tự do truy cập hay chia sẻ thông tin với thế giới bên ngoài. Nghiên cứu của OpenNet Initiative (http://opennet.net) đã ghi nhận được nhiều phương cách mà nhiều quốc gia đã dùng để ngăn chận dân chúng truy cập internet. Phải kể đến những quốc gia với những chính sách kiểm duyệt sâu rộng, thường ngăn chặn đều đặn việc truy cập vào những tổ chức nhân quyền, tin tức, dân báo, và những dịch vụ trên mạng thách thức hiện trạng hoặc bị coi là đe dọa hay bất hảo. Một số khác ngăn chận khả năng truy cập vào một số nội dung nào đó, hoặc tùy lúc ngăn chận truy cập vào những trang mạng hay dịch vụ đặc biệt trùng hợp với những biến cố quan trọng như bầu cử hay những cuộc biểu tình của quần chúng. Ngay cả ở những quốc gia mà quyền tự do phát biểu được bảo vệ, thì đôi khi cũng theo dõi việc xử dụng internet liên quan đến những việc như cấm khiêu dâm, hay cái gọi là "phát biểu tạo sự thù hận", khủng bố hay những hành vi tội ác, rò rỉ những thông tin quân sự hay ngoại giao, hay vi phạm tác quyền.

Sàng lọc dẫn đến theo dõi

Bất cứ chính phủ hay nhóm tư nhân nào cũng có thể dùng những kỹ thuật khác nhau để theo dõi sinh hoạt internet của dân chúng mà họ quan tâm, để bảo đảm việc giới hạn được hữu hiệu. Có thể kể từ việc phụ huynh theo dõi con em hay kiểm soát trên máy vi tính của con em những trang mạng mà chúng đã vào xem, cho tới việc các công ty kiểm soát email của nhân viên của họ, hay những cơ quan công lực đòi biết dữ kiện từ các nhà mạng hay ngay cả tịch thu máy vi tính tại nhà để tìm bằng cớ là bạn đã tham gia vào những sinh hoạt "bất hảo".

Khi nào là kiểm duyệt?

Tùy theo thành phần nào giới hạn việc truy cập và theo dõi việc xử dụng, và hoàn cảnh của người bị giới hạn truy cập như thế nào, hầu như bất cứ mục tiêu hay những phương pháp nào được dùng để đạt mục tiêu, có thể được coi là hợp pháp và cần thiết hay là những biện pháp kiểm duyệt không thể chấp nhận được, và là một sự vi phạm những quyền căn bản của con người. Một cậu bé tuổi vị thành niên bị nhà trường ngăn chận không cho truy cập vào mạng để chơi trò chơi điện từ mà cậu ưa thích hay vào một trang mạng xã hội như Facebook, sẽ có cảm giác là quyền tự do của mình bị giới hạn y như một người nào đó bị chính quyền ngăn chận không cho đọc báo trên mạng liên quan đến các lực lượng đối lập.

Ai chính là người ngăn chận tôi truy cập vào Internet?

Những thành phần có khả năng giới hạn việc truy cập internet từ bất cứ máy vi tính nào và ở bất cứ quốc gia nào còn tùy thuộc vào những người có khả năng kiểm soát những phần đặc biệt của hạ tầng kỹ thuật. Việc kiểm soát này có thể dựa trên những quan hệ đặt trên nền tảng pháp luật hay những quy định của luật lệ, hay dựa vào khả năng của chính quyền hay các cơ quan khác để áp lực trên những thành phần có thẩm quyền trên hạ tầng cơ sở kỹ thuật để tiến hành việc ngăn chận, sàng lọc, hay thu thập thông tin. Nhiều bộ phận của hạ tầng kỹ thuật quốc tế phục vụ cho internet nằm dưới quyền kiểm soát của các chính phủ hay các cơ quan do chính phủ kiểm soát, tất cả những bộ phận này đều có thể thực hiện việc kiểm soát bất cứ lúc nào, dựa trên luật lệ địa phương hay không.

Mức độ sàng lọc hay ngăn chận internet có thể ở mức độ nhẹ hay rất mạnh mẽ, được ấn định rõ ràng hay rất kín đáo. Một số quốc gia công khai nhìn nhận việc ngăn chận và phổ biến những tiêu chuẩn sàng lọc, cũng như thay thế những trang mạng bị ngăn chận bằng những lời giải thích. Một số nước khác không có ấn định những tiêu chuẩn rõ ràng và đôi khi dựa trên sự quy định không chính thức và không rõ ràng để làm áp lực lên các nhà mạng. Ở vài nơi, việc kiểm duyệt được giấu giếm dưới hình thức trục trặc kỹ thuật và chính phủ không chịu nhìn nhận một cách công khai trách nhiệm khi đã cố ý kiểm duyệt. Trong cùng quốc gia đó, những người quản trị các mạng bị chi phối bởi cùng luật lệ, có thể thực hiện việc sàng lọc tin qua nhiều hình thức khác nhau, vì  một số lý do như vấn đề cẩn trọng, sự thiếu hiểu biết kỹ thuật hay vì cạnh tranh thương mại.

Khó khăn kỹ thuật của khả năng sàng lọc chính xác  ở mọi cấp, từ bình diện cá nhân đến cấp quốc gia, những thông tin được xem là bất hảo có thể dẫn đến những hậu quả bất ngờ và nhiều khi đáng buồn cười. Việc sàng lọc những thông tin thuộc loại "phạm vi gia đình" đồng nghiã với việc ngăn chận những tài liệu khiêu dâm và dẫn đến đến việc ngăn chặn không cho truy cập  những thông tin hữu ích về y tế. Nỗ lực ngăn chận thư rác có thể cùng lúc ngăn chận những thông tin quan trọng về kinh doanh. Nỗ lực ngăn chận việc truy cập vào một số trang mạng cũng có thể cùng lúc ngăn chận những nguồn thông tin về giáo dục.

Có những phương cách nào để vượt qua việc sàng lọc?

Song song với việc những cá nhân, các công ty hay các chính quyền quan niệm là internet là một nguồn thông tin cần phải kiểm soát, thì có nhiều cá nhân hay nhóm đang làm việc cật lực để bảo đảm là internet với những thông tin trên đó đến được với những ai muốn truy cập. Những người này cũng có nhiều động cơ giống như những người muốn làm công việc kiểm duyệt. Tuy nhiên, đối với những người mà việc truy cập internet bị giới hạn và muốn biết phương cách vượt qua việc kiểm duyệt thì họ không cần biết những phương cách đó do ai sáng chế ra, dù là để chát với bạn gái, hay để viết một tuyên ngôn chính trị hay để gửi thư rác. .

Nhiều nỗ lực đã được bỏ ra, từ các tổ chức thương mại, vô vụ lợi hay thiện nguyện, để sáng chế ra những công cụ và kỹ thuật để vượt qua sự kiểm duyệt, với kết quả là một số phương cách vượt qua sự sàng lọc đã được thực hiện. Nói chung những phương cách này được gọi là những phương cách vượt tường lửa, và được chia ra thành từ những phương thức đơn giản đi vòng, những tuyến đường được bảo vệ, cho đến những thảo trình vi tính phức tạp. Tuy nhiên, các phương pháp đó vận hành khá giống nhau. Chúng chỉ thị cho duyệt trình của máy vi tính đi vòng qua một máy vi tính trung gian khác, được gọi là "ủy nhiệm" (proxy):

  • được đặt ở một nơi không bị kiểm duyệt
  • không bị ngăn chận từ vị trí của bạn
  • biết cách tìm và chuyển trở lại nội dung cho người xử dụng như bạn

Có những rủi ro gì khi xử dụng những cách vượt tường lửa?

Chỉ có bạn, là người muốn vượt qua sự ngăn chận truy cập, có thể quyết định là có rủi ro đáng kể hay không khi truy cập những dữ kiện mà bạn muốn có; và chỉ có bạn mới quyết định được là lợi có nhiều hơn hại hay không. Có thể không có luật lệ nào ngăn cấm các thông tin bạn muốn có hay truy tìm nó. Đằng khác, việc không có luật lệ cấm không có nghiã là bạn không phải chịu những hậu quả khác như bị sách nhiễu, mất việc hay tệ hơn thế nữa.

Những chương kế tiếp sẽ trình bày internet vận hành ra sao, mô tả những dạng khác nhau của kiểm duyệt, và trình bày cặn kẽ một số phương thức vượt kiểm duyệt để có thể tự do ngôn luận. Vấn đề riêng tư và an toàn trên mạng sẽ được nói đến trong suốt cuốn sách này, bắt đầu bằng những điều căn bản, tiếp đến là một vài đề tài chuyên môn trước khi kết thúc bằng một đoạn ngắn dành cho các chuyên gia về vi tính hay những người quản trị các trang mạng khi họ muốn giúp người khác vượt qua việc kiểm duyệt internet.